Luật Đường bộ vừa được Quốc hội thông qua đã bổ sung quy định thu phí sử dụng với phương tiện lưu thông trên cao tốc do Nhà nước đầu tư để có nguồn vốn bảo trì, đầu tư các tuyến cao tốc mới.
Theo đó, Nhà nước sẽ thu phí sử dụng cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước quản lý, bao gồm cao tốc do Nhà nước đầu tư và cao tốc được chuyển giao cho Nhà nước quản lý. Phí thu được sẽ nộp vào ngân sách và đầu tư cho việc bảo trì, sửa chữa và nâng cấp các tuyến cao tốc.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Bùi Quang Thái - Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam - cho biết, sau khi Luật Đường bộ thông qua, cục gấp rút xây dựng các nghị định, thông tư hướng dẫn để triển khai nội dung này và hiện đã trình Bộ Giao thông vận tải (GTVT).
Theo ông Thái, đây là vấn đề mới ảnh hưởng lớn đến hoạt động đi lại của người dân nên cần được thảo luận kỹ lưỡng. Song quan điểm của Bộ GTVT là những tuyến cao tốc nào có chất lượng dịch vụ tương ứng với mức thu mới triển khai thu phí. Nhà nước thu phí đường cao tốc không phải vì lợi nhuận mà chủ yếu để có nguồn vốn phục vụ cho công tác bảo trì và đầu tư phát triển các tuyến cao tốc mới.
Trạm thu phí Cao Bồ trên tuyến cao tốc Hà Nội - Ninh Bình.
Về hình thức thu phí, ông Thái cho hay chủ yếu cơ quan Nhà nước sẽ thuê hoặc nhượng quyền cho tư nhân quản lý, vị vận hành thu phí. Theo đó, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ thu phí trên nền tảng hệ thống thu phí tự động không dừng.
Hình thức thứ 2 là đấu thầu quản lý đường cao tốc theo hình thức hợp đồng kinh doanh - quản lý (O&M). Nhà đầu tư sẽ đứng ra thu phí và quản lý, bảo trì tuyến đường. Nhà nước bán quyền thu phí tuyến cao tốc trong thời gian nhất định và thu ngay được một khoản tiền.
"Trong trường hợp không thu hút được tư nhân tham gia, Nhà nước sẽ tổ chức, triển khai hoạt động thu. Đặc biệt, tới đây, hệ thống giao thông thông minh (ITS), trong đó có hệ thống thu phí tự động không dừng sẽ được đầu tư đồng bộ với quá trình xây dựng đường cao tốc do đó trên cơ sở hạ tầng hiện nay không phải đầu tư trạm thu phí", ông Thái nói.
Về mức phí, lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam cho biết đang nghiên cứu các kịch bản, làm sao đảm bảo cân bằng giữa dịch vụ cung cấp đến người sử dụng và mức thu. Các bước đi sẽ được tiến hành thận trọng, tránh tác động quá lớn đến chỉ số giá tiêu dùng và chi phí logistics.
“Theo dự kiến, từ ngày 1/10 các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư sẽ đủ điều kiện để thu phí, song việc áp dụng triển khai như thế nào, mức thu bao nhiêu phải chờ các đơn vị thảo luận và trình Chính phủ thống nhất”, ông Thái cho hay.
Được biết, Cục Đường bộ Việt Nam dự kiến sẽ thu phí các tuyến cao tốc đang khai thác: Lào Cai - Kim Thành, Hà Nội - Thái Nguyên, TPHCM - Trung Lương, Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - Quốc lộ (QL) 45, QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Túy Loan, La Sơn - Hòa Liên, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, Bến Lức - Trung Lương, Cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn 2 đầu cầu.
Các tuyến cao tốc đang xây dựng đến năm 2025 gồm: Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ, Hòa Liên - Túy Loan, Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh, Chí Thạnh - Vân Phong, Vân Phong - Nha Trang, Cần Thơ - Cà Mau sau khi hoàn thành cũng sẽ thu phí.
Dương Hưng